Xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP

Để ổn định thị trường tiêu thụ, Sở Công Thương Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là “bà đỡ” trong hỗ trợ, xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; hội chợ; triển lãm; kết nối giao thương…

Với hơn 1.300 làng nghề và 1.054 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù có nhiều sản phẩm chất lượng cao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề vẫn là "bài toán" khó.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện các sản phẩm OCOP tại các địa phương chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù cho nên chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP chưa cao. Ðặc biệt, việc sự liên kết tiêu thụ sản phẩm trong cùng một địa phương cũng như giữa các địa phương còn rời rạc…

Xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP.Xúc tiến đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Khẳng định vai trò "bà đỡ" trong tiêu thụ sản phẩm OCOP, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hằng năm Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương.

Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp trưng bầy hàng hóa tại các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với các điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP TP. Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để xuất khẩu.

Bên cạnh sự nỗ lực của Sở Công Thương, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình ''Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội". Thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã TP. Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, Thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ tài chính cho 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn…

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường khâu kết nối để tiêu thụ sản phẩm, chắc chắn việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề Thủ đô sẽ sớm không còn là bài toán khó.

Việt Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục