Công ty Dược phẩm E&S Việt Nam quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh?

Thời gian qua, nhiều bài viết quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt Nam (địa chỉ: Nghĩa Đô, Cầu Giấy, TP. Hà Nội) được đăng tải tại website: https://espharma.vn/ đang mô tả sản phẩm có công dụng “trị nám – trị mụn” gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Dược phẩm E&S Việt Nam có vi phạm quy định về quảng cáo mỹ phẩm, TPCN?

Quảng cáo mỹ phẩm ngoài phải tuân thủ điều kiện chung được quy định tại Điều 4; Điều 6, Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y Tế còn phải đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 20 của Luật quảng cáo 2012, Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.

Theo đó, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

Nội dung quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác; Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Đặc biệt không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: đặc trị, điều trị, trị mụn, trị nám, chữa khỏi, làm lành mụn; giảm/kiểm soát sự sưng tấy phù nề; loại bỏ/giảm mỡ/giảm béo; diệt nấm; diệt virus; kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.

Theo quy định, mỹ phẩm là một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông - tóc, móng, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Thế nhưng, tại trang website: https://espharma.vn/, sản phẩm mỹ phẩm dạng kem đang được giới thiệu có công dụng như thuốc chữa bệnh khi tự đặt tên cho các sản phẩm là “trị mụn, trị nám"…

Cụ thể, với sản phẩm Kem Mélanosome (loại 30g), sản phẩm được quảng cáo là kem trị nám, có công dụng: “Ức chế hình thành đốm nâu trên da, sản sinh tế bào da mới sáng màu, dưỡng da ẩm mịn, căng mướt”.Quảng cáo kem trị nám Mélanosome có tác dụng trị námQuảng cáo kem trị nám Mélanosome có tác dụng trị nám

Để khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm, Công ty Dược phẩm E&S Việt Nam viết: “Kem Mélanosome cũng là sản phẩm kem trị nám được PGS.TS Trần Lan Anh – bác sĩ chuyên khoa da liễu Viện da liễu Trung Ương khuyên dùng dành cho làn da đang gặp phải tình trạng sạm da, thâm nám, nám đốm, nám mảng,… Do vậy bạn có thể yên tâm về chất lượng kem trị nám Mélanosome hoàn toàn tương đương và sánh tầm với các dòng kem trị nám trên thế giới, đạt chuẩn TCCS đề ra”.Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt nam quảng cáo mỹ phảm có dấu hiệu thổi phồng công dụngCông ty TNHH Dược phẩm E&S Việt nam quảng cáo mỹ phảm có dấu hiệu thổi phồng công dụng

Với sản phẩm kem Renoil (loại 15g) được giới thiệu là: “kem trị mụn đang nhận nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ có làn da mụn, thâm mụn. Bởi Renoil sở hữu bảng thành phần lành tính, không gây kích ứng giúp loại bỏ sạch nhân mụn và mờ thâm hiệu quả mang lại làn da căng mịn, trẻ đẹp hơn, hiệu quả trị mụn, ngừa thâm vượt trội. Kem trị mụn Renoil là sản phẩm trị mụn ẩn cực hiệu quả và lành tính giúp làm sạch mụn sáng da mà không lo lỗ chân lông to, phù hợp dành cho làn da của các bạn đang bị mụn ẩn, mụn đầu đen, cũng như các dạng mụn viêm nhẹ khác”.Quảng cáo Kem Renoil có tác dụng trị mụnQuảng cáo Kem Renoil có tác dụng trị mụn

Trong khi sản phẩm “Viên uống đẹp tóc La BonSoir” chỉ là thực phẩm chức năng có số xác nhận công bố: 2928/2023/ĐKSP do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp với công dụng hỗ trợ cung cấp Vitamin B6, Vitamin B12, Vitamin B7, Kẽm gluconate nhưng lại được quảng cáo giúp: “trị rụng tóc, trị tóc bạc sớm, kích thích mọc tóc, chống ô xy hóa phòng ngừa rụng tóc giúp bạn nhanh chóng lấy lại mái tóc đen chắc khỏe, óng mượt. Để tăng sự uy tín, đơn vị này không quên kèm theo đó là hàng loạt những hình ảnh khách hàng (chưa được kiểm chứng) đã sử dụng sản phẩm rất hiệu quả”.

Thực phẩm chức năng cũng được đơn vị này quảng cáo có tác dụng trị rụng tóc, trị tóc bạc sớmThực phẩm chức năng cũng được đơn vị này quảng cáo có tác dụng trị rụng tóc, trị tóc bạc sớm

Qua thực tế khảo sát của PV Thương hiệu và Công luận, hiện rất nhiều sản phẩm được giới thiệu qua hệ thống các website thương mại điện tử mang thương hiệu E&S Pharma, trong đó có trang website: https://espharma.vn/ , đang “thổi phồng” công dụng của nhiều sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu lừa dối khách hàng để trục lợi.

Theo thông tin từ Hệ thống  tra cứu tên miền của Bộ Thông tin và Truyền thông thì website: https://espharma.vn/, thuộc quyền sở hữu của ông Trần Minh Hưng, người có trung thông tin với đại diện pháp luật Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt Nam có địa chỉ tại Tầng 2, số 44, phố Nghĩa Đô, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Còn tại Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, trang web https://espharma.vn/ chưa có thông tin liên quan đăng ký đã được cấp phép hoạt động.

Để làm rõ thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ làm việc tới Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ đơn vị này.Quảng cáo Kem trị mụn Renoil công dụng trị mụn có đúng theo quy định của pháp luậtQuảng cáo Kem trị mụn Renoil công dụng trị mụn có đúng theo quy định của pháp luật

Liên quan đến thực trạng quảng cáo mỹ phẩm sai bản chất của sản phẩm, mới đây, Sở Y tế TP. Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND các quận huyện; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn về việc tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo mỹ phẩm. Đặc biệt, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện tăng cường phối hợp kiểm tra, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm nói chung và trong hoạt hoạt động quảng cáo mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy xác nhận quảng theo quy định; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng không phù hợp hoặc vượt quá tính năng, công dụng như đã công bố tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Theo đó, Hà Nội sẽ kiên quyết xử phạt, buộc thu hồi, loại bỏ các yếu tố vi phạm hoặc buộc tiêu hủy đối với các trường hợp thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.

Rõ ràng, quy định của pháp luật như đã nêu trên đều hoàn toàn không như quảng cáo của Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt Nam. Có chăng, Công ty này đang bất chấp quy định của pháp luật, và phớt lờ những chỉ đạo sát sao của cơ quan chức năng tại TP. Hà Nội khi ngang nhiên quảng cáo "thổi phồng" công dụng của các sản phẩm mỹ phẩm.

Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc sử dụng từ ngữ như "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" là hành vi vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo, theo khoản 3 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP).

Đáng chú ý, theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trước những dấu hiệu bất thường, đặc biệt việc mập mờ tên gọi, công dụng và ngang nhiên quảng cáo mỹ phẩm có công dụng như thuốc khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang của Công ty TNHH Dược phẩm E&S Việt Nam, Luật sư Bình đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ảnh các hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. 

Trước vấn đề nêu trên, đề nghị cơ quan chức vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, để an toàn cho mình, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trước những lời quảng cáo “mật ngọt” nêu trên để trách thiệt hại về kinh tế cũng như tránh việc “tiền mất tật mang”.

                                                                                                                                         Thiên Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục