Ngoài việc sử dụng các từ ngữ gây hiểu lầm về công dụng sản phẩm để quảng cáo, đơn vị phân phối sản phẩm TPBVSK Lifamax còn sử dụng chiêu "khám bệnh online" để chốt đơn bán TPBVSK Lifamax.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mạo danh lương y, thầy thuốc để tạo niềm tin cho người bệnh diễn ra rất phổ biến, thậm chí nghày càng tinh vi hơn.
Nắm bắt tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, “còn nước còn tát”, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược" trên mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng để chiếm lòng tin hòng bán thực phẩm chức năng nhằm trục lợi bất chính.
Trước sự phát triển của thời đại 4.0, nếu có nhu cầu tìm hiểu về bệnh tật hay sản phẩm thực phẩm chức năng liên quan đến các loại bệnh là ngay lập tức trên facebook đã tràn ngập fanpage, hội nhóm quảng cáo chữa bệnh, mời chào mua thuốc với những bài viết, hình ảnh, video đầy đủ, bắt mắt. Đặc biệt, những nội dung này được làm rất bài bản, chuyên nghiệp, có cả ekip xây dựng hình ảnh... Thậm chí, các đối tượng còn tinh vi khi mạo danh bác sĩ, những người có chuyên môn y học để tư vấn, bắt bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân qua điện thoại...
Khám bệnh online
Quảng cáo TPBVSK Lifamax có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định
Như Thương hiệu Công luận đã đăng tải bài viết thông tin về việc sản phẩm TPBVSK Lifamax đang có dấu hiệu quảng cáo sai công dụng sản phẩm. Nội dung bài viết có nêu ra những quảng cáo của sản phẩm TPBVSK Lifamax đang được đăng tải trên các nền tảng mạng internet, trong đó có sử dụng nhiểu mỹ từ để mô tả sản phẩm này như “thần dược”, là một giải pháp cho các bệnh viêm gan, xơ gan, men gan,suy gan, gan nhiễm mỡ… cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tái phát. Cùng với đó, là nhiều video có sử dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng hay các khách hàng sử dụng sản phẩm đạt hiệu quả mục đích đánh vào tâm lý người bệnh chi tiền mua sử dụng.
Để làm rõ thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, PV đã liên hệ tới Công ty Cổ phần Dược phẩm Lifamax chịu trách nhiệm quảng cáo, phân phối, tuy nhiên, đến nay công ty vẫn không có phản hồi để làm rõ những phản ánh trên.
Nhằm tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm TPBVSK Lifamax, trong vai khách hàng, PV đã để lại thông tin tư vấn trên website: https://lifamax.vn/. Ngay sau đó, PV được một người giọng còn rất trẻ gọi điện lại tư vấn từ số: 02499992268, giới thiệu tên là Nhàn – Dược sĩ, chuyên gia tư vấn điều trị gan, hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm FAMAX. Và số điện thoại này cũng được được niêm yết trên website: lifamax.vn.Khách hàng để lại thông tin tư vấn sẽ được các dược sĩ online liên hệ khám bệnh để kê đơnTPBVSK Lifamax
Qua điện thoại, nhằm khai thác tình trạng bệnh, người này (người phụ nữ xưng là Dược sĩ tên Nhàn - PV) hỏi PV có gặp các triệu chứng đắng miệng, chướng bụng, hơi nhức mạn sườn, đi ngoài... và kết luận bệnh men gan cao đã nặng. Với tình trạng đang gặp, vị “bác sĩ” online chuẩn đoán nguyên nhân do cồn tích tụ trong gan khiến gan không đào thải được.
“Anh bị đắng miệng, đi ngoài phân lỏng kèm theo thỉnh thoảng có nóng phần bụng và hơi nhức mạn sườn, đấy là những triệu chứng của gan, do gan không đủ hoạt chất để đào thải các độc tố ra ngoài,… ”, nữ dược sĩ online khám bệnh cho PV kết luận.
Quá trình thăm khám, người này khuyên bệnh nhân nên dừng thuốc tây với lý do điều trị thuốc tây chỉ là kháng sinh và giảm đau. Nếu dùng lâu dài ảnh hưởng tới dạ dày... Kết thúc quá trình khám bệnh, người này giọng điệu cứng rắn với màn tư vấn và nhanh chóng “kê đơn” cho PV dùng Lifamax với liệu trình uống hơn 2 tháng với lời cam kết sẽ khỏi.Website: lifamax.vn được đăng ký bởi Công ty CP dược phẩm FAMAX
“TPBVSK Lifamax được sơ chế từ thảo dược và có hàm lượng vàng SILYMARIN và GLUTATHIONE cao hơn nhiều lần các sản phẩm khác. Nếu anh đi bệnh viện khám thì bác sĩ cũng sẽ kê các sản phẩm có chứa các thành phần như em tư vấn. Em tự tin là sản phẩm bên em tốt nhất trên thị trường, các sản phẩm khác sẽ uống 6-8 viên, bên em chỉ cần uống 2 viên/ngày…” nữ “dược sĩ” online khẳng định.
Kết thúc quá trình khám bệnh, vị nữ dược sĩ online tên Nhàn yêu cầu PV mua 2 hộp Lifamax để sử dụng và trải nghiệm. Tùy theo mức độ sẽ tiếp tục sử dụng các liệu trình tiếp theo.Quảng cáo TPBVSK Lifamax gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh
Đơn vị phân phối sản phẩm TPBVSK Lifamax đang sử dụng nhiều y bác sĩ để quảng cáo, tư vấn sản phẩm
Qua quá trình "khám bệnh online" của nữ dược sĩ tên Nhàn có thể thấy, người này còn trẻ tuổi, lời nói ngây ngô, không hiểu biết chuyên môn. Dư luận đặt câu hỏi, các “dược sĩ online” tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại có bằng cấp, chuyên môn không? Họ có mối liên quan thế nào với Công ty Cổ phần Dược phẩm FAMAX? Trước thực trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và làm rõ dấu hiệu vi phạm (nếu có).
Các quy định về quảng cáo TPCN
Theo quy định của pháp luật về quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:
Một là, nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Hai là, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Ba là, quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và có các nội dung gồm: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Bốn là, không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Năm là, quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong đó có quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Ngoài ra, theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, b Khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) thì việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:
(1) Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
(2) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;...
(3) Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.
(4) Phạt tiền từ 20 triêu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ,...; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;...
Ngoài khung hình phạt nêu trên, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả mà mình gây ra.
Thiên Anh